Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thứ 6, 23/09/2022

A. Trung

372

Thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam dựa trên quy định của Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Đầu Tư 2020. Vì thế, khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật. Trong bài viết này, Kế toán Vạn Xuân sẽ cung cấp những thông tin quan trọng và cần thiết nhất để bạn nhanh chóng hoàn thành thủ tục công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều kiện cần thiết khi thành lập công ty có vốn nước ngoài

Theo pháp luật hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm tổ chức và cá nhân được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt nam trong các ngành, nghề mà Luật Đầu Tư không cấm. Theo đó, Nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau đây:

  • Thành lập tổ chức kinh tế (hay còn gọi là đầu tư trực tiếp). Nhà đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế phải có dự án đầu tư, phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Pháp luật.
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế đã hình thành tại Việt Nam (hay còn gọi là đầu tư gián tiếp).
  • Các hình thức đầu tư khác như: Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. (Vì tính phức tạp cũng như tính không phổ biến của 2 loại hình đầu tư này mà Vạn Xuân không đề cập chi tiết tại đây)  

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn phải đáp ứng các điều kiện sau mới được thành lập công ty vốn nước ngoài:

  • Được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế, trừ 3 trường hợp cụ thể sau:
  1. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
  2. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
  3. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  4. Phạm vi hoạt động, hình thức đầu tư, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và tất cả những điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là thành viên.

Việc nhà đầu tư có được thành lập công ty vốn nước ngoài hay không cũng phụ thuộc vào ngành nghề mà nhà đầu tư dự định kinh doanh tại Việt Nam. Ví dụ:

  • Nhà đầu tư không được phép thành lập công ty có vốn nước ngoài để kinh doanh hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các cá nhân, tổ chức Việt Nam mới được cấp phép hoạt động.
  • Với ngành kinh doanh dịch vụ sản xuất phim, các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư. Tuy nhiên, chỉ được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam để thành lập công ty và phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 51% vốn điều lệ của công ty.
 

Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Hồ sơ cần chuẩn bị 

 Nhà đầu tư là cá nhân:

  • Bản sao hộ chiếu
  • Thuyết minh năng lực tài chính của NĐT và tài liệu đính kèm.
  • Hợp đồng thuê trụ sở, văn phòng, địa điểm và các loại giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê.
  • Hồ sơ pháp lý địa điểm thực hiện dự án (sổ hồng)

Nhà đầu tư là tổ chức:

  • Bản sao giấy chứng nhận thành lập, giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự
  • Bản sao một trong 5 tài liệu sau có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự:
  1. Bản báo cáo tài chính của nhà đầu tư trong 2 năm gần nhất
  2. Bản cam kết hỗ trợ tài chính đến từ công ty mẹ
  3. Bản cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính
  4. Giấy tờ bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư
  5. Giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư tương đương với số vốn dự định đầu tư tại Việt Nam 
  • Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân có công chứng của người đại diện công ty tại nước ngoài có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự
  • Hộ chiếu có công chứng của giám đốc – là người đại diện theo pháp luật công ty tại Việt Nam. Nếu là người nước ngoài cần có có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự
  • Hợp đồng thuê trụ sở, địa chỉ, văn phòng và các loại giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê
  • Bản giải trình về sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật đối với dự án có sử dụng công nghệ, gồm các nội dung: tên gọi và xuất xứ của công nghệ, thông số kỹ thuật công nghệ, sơ đồ quy trình, tình trạng sử dụng thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ chính.

Thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài 

Bước 1: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư 

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế
  • Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.

Ban quản lý của tất cả các khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu công nghiệp, tiến hành tiếp nhận, cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu công nghiệp gồm:

  • Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp
  • Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế

Sở Kế hoạch và Đầu tư – nơi mà các nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính/văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiến hành tiếp nhận, làm thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư được thực hiện trên địa bàn các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương
  • Dự án đầu tư thực được hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.

Bước 2: Thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Hồ sơ và trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được tiến hành thực hiện tương tự doanh nghiệp vốn Việt Nam.

Bước 3: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh đối với kinh doanh một số ngành nghề có điều kiện:

Căn cứ vào Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Hoạt động mua bán hàng hóa và những hoạt động liên quan trực tiếp đến việc mua bán hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài hoặc các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

  • Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
  • Nhà đầu tư không phải Cấp Giấy phép kinh doanh cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, bán buôn hàng hóa (không thuộc các loại hàng hóa như dầu mỡ bôi trơn, đường, gạo, tạp chí, sách, báo)
  • Nhà đầu tư thực hiện Cấp Giấy phép kinh doanh khi lập cơ sở bán lẻ hàng hóa, thực hiện hoạt động bán lẻ hàng hóa
  • Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được quyền thực hiện hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phạm vi đưa du khách nước ngoài vào Việt Nam
  • Nhà đầu tư tiến hành xin ý kiến chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
  • Trước khi chính thức đi vào hoạt động, doanh nghiệp tiến hành xin Giấy phép hoạt động Trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo
     

Một số câu hỏi thường gặp

Công ty nước ngoài và công ty có vốn nước ngoài khác nhau như thế nào?

  • Khoản 26 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định: “tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài”.
  • Trong khi đó, công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam dưới 4 loại hình cơ bản: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác. 4 loại hình doanh nghiệp này thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh và có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên.

Vì thế, công ty nước ngoài và công ty có vốn nước ngoài có sự khác biệt lớn dựa trên pháp luật điều chỉnh quy trình thành lập của mỗi loại hình. Công ty nước ngoài được thành lập theo quy trình và thủ tục theo quy định pháp luật nước ngoài. Còn công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định theo pháp luật Việt Nam.

Người quốc tịch nước ngoài có được thành lập hộ kinh doanh không?

Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định, đối tượng được quyền đăng ký hộ kinh doanh là:

  • Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật
  • Hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ phải đăng ký hộ kinh doanh theo luật định hiện hành

Vì thế, nước ngoài không thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Trong trường hợp người nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có thể nhờ người mang quốc tịch Việt Nam thay mặt đứng tên hộ kinh doanh hoặc làm các thủ tục đầu tư và đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Quy trình thành lập công ty vốn nước ngoài không quá phức tạp và khó khăn nếu bạn có sự chuẩn bị đầy đủ về điều kiện thành lập công ty và các hồ sơ giấy tờ cần thiết. Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích với những nhà đầu tư đang có ý định mở công ty vốn nước ngoài.

Chia sẻ:
Liên hệ với chúng tôi
Copyright © 2022 - KẾ TOÁN VẠN XUÂN. All rights reserved. Design by i-web.vn